Đến ngày dự sinh mà chưa có dấu hiệu gì thì phải làm sao?

Phải làm gì khi đến ngày dự sinh mà chưa có dấu hiệu gì để vượt cạn. Lúc này các thai phụ đừng quá lo lắng, áp lực mà ảnh hưởng đến sức khỏe của mình và thai nhi. Tuyệt đối không nên vì vội vàng mà quyết định sinh mổ bởi sinh thường sẽ mang lại cho bạn và con yêu nhiều lợi ích hơn. Hãy cùng dõi theo bài viết để tìm hiểu xem hiện tượng này nên được xử lí thế nào nhé!

Đến ngày dự sinh mà chưa có dấu hiệu gì thì phải làm sao
Đến ngày dự sinh mà chưa có dấu hiệu gì thì phải làm sao

Thai quá ngày dự sinh nguy hiểm thế nào?

Ngày dự sinh là ngày bác sĩ dự đoán là em bé sẽ chào đời, được xác định dựa trên ngày đầu tiên trong chu kỳ kinh nguyệt cuối cùng của sản phụ.

Thời gian mang thai trung bình là 280 ngày hay 40 tuần, được tính từ ngày đầu tiên của chu kỳ kinh nguyệt cuối cùng của sản phụ. Khi thai kỳ kéo dài từ tuần thứ 41 đến tuần thứ 42 (1 tuần sau ngày dự sinh) thì gọi là thai trễ ngày. Đối với thai kỳ kéo dài hơn 42 tuần tính từ ngày đầu tiên của kỳ kinh nguyệt cuối cùng gọi là thai quá ngày dự sinh.

Tuy nhiên không phải chuẩn đoán của bác sĩ khi nào cũng chính xác, sẽ có những trường hợp mẹ bầu có xu hướng sinh sớm hơn hay muộn hơn dự kiến là điều bình thường.

Một số trường hợp thai quá ngày chưa chuyển dạ sẽ có nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe cho cả sản phụ và thai nhi. Những tình trạng rủi ro có thể xảy ra bao gồm:

  • Đẻ khó do thai to.
  • Thai chết lưu hoặc khi sanh em bé bị da nhăn nheo, suy dinh dưỡng, sức đề kháng kém.
  • Những em bé ở trong bụng mẹ quá lâu thường gặp vấn đề về hô hấp, khó thở sau sinh, có tỷ lệ tử vong cao hơn những trẻ sinh đủ ngày.
  • Ngoài ra việc mang thai quá lâu cũng làm cho mẹ bầu mệt mỏi.

Làm gì khi đến ngày sinh mà chưa có dấu hiệu chuyển dạ

Khi thấy đến ngày dự sinh mà vẫn chưa có dấu hiệu gì, các mẹ cần đi thăm khám bác sĩ để kiểm tra tình trạng thai và theo dõi tình hình sức khỏe của mình.

Bác sĩ sẽ theo dõi tim thai, đánh giá lượng nước ối nhiều hay ít, bánh rau có bị xơ hóa hay không và thực hiện một số các xét nghiệm khác. Nếu tình trạng tốt bác sĩ sẽ khuyên bạn nên đợi thêm vài ngày để có cuộc sinh nở tự nhiên. Nếu phát hiện có vấn đề bất thường thai phụ sẽ được chỉ định sinh mổ để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và con.

Ngoài ra nếu sau khi kiểm tra mà mọi thứ vẫn hoạt động bình thường, bác sĩ sẽ đánh giá và tùy theo nguyện vọng của thai phụ để lựa chọn biện pháp phù hợp là chờ chuyển dạ tự nhiên hay áp dụng các phương pháp giục sinh.

Những phương pháp giục sinh có thể gây ra một số rủi ro cho mẹ và bé như: nhiễm trùng, thay đổi nhịp tim thai, co bóp tử cung quá mạnh, khởi phát chuyển dạ không có tác dụng…

Vì vậy khi thai quá ngày dự sinh mà vẫn chưa chuyển dạ, mẹ bầu nên sớm tới khám tại các cơ sở y tế để được các bác sỹ sản khoa có kinh nghiệm chẩn đoán, đưa ra biện pháp can thiệp phù hợp và kịp thời.

Một số lưu ý bạn cần quan tâm

Để tránh trường hợp đến ngày dự sinh mà chưa có dấu hiệu gì gây hoang mang và lo lắng, các chị em nên lưu ý một số vấn đề sau:

  • Trước tiên, cần nhớ rõ ngày đầu xuất hiện kinh nguyệt của kì kinh cuối để tránh tình trạng dự đoán sai ngày sinh của em bé.
  • Nên cân bằng chế độ dinh dưỡng, thực hiện lịch sinh hoạt khoa học, điều độ. Việc này sẽ giúp sức khỏe của mẹ và thai nhi ổn định và luôn khỏe mạnh.
  • Ngoài chế độ dinh dưỡng bạn cũng nên có tuân thủ lịch khám thai thường xuyên và những khuyến cáo của bác sĩ. Tuyệt đối không nên bỏ qua bất kỳ một buổi khám thai định kỳ bất kỳ. Khi phát hiện quá ngày dự sinh từ 5 đến 7 ngày, mẹ bầu nên đến ngay cơ sở y tế để được kiểm tra, tránh nguy hiểm đến thai nhi.