Trong quá trình sinh con, cơ thể mẹ sẽ trải qua nhiều thay đổi và có thể nói cổ tử cung là bộ phận thay đổi nhiều nhất, đóng vai trò quan trọng trong việc chào đón một sinh linh bé nhỏ. Cổ tử cung mẹ sẽ mở dần dần theo nhiều giai đoạn để tạo điều kiện cho em bé có thể chui ra ngoài. Và thắc mắc hay đặt ra của các bà mẹ là cổ tử cung mở 1cm thì bao giờ sinh? Vậy thì hãy cùng tìm câu trả lời trong bài viết dưới đây nhé!

Cổ tử cung mở 1cm bao giờ sinh?
Hiện tượng cổ tử cung mở 1cm thường đi kèm các triệu chứng như xuất hiện máu báo màu hồng/đỏ/hơi nâu; các cơn gò tử cung, đau lưng… Và đây cũng chính là dấu hiệu sắp sinh mà các bác sỹ sản khoa thường nhắc tới.
Quá trình cổ tử cung mở ra diễn ra như sau:
- Trong giai đoạn đầu cổ tử cung mở từ 1-4 cm, kèm theo các cơn gò tử cung xuất hiện với tần suất thấp (thường từ 15-20 phút/lần).
- Giai đoạn chuyển dạ tích cực: Khi cổ tử cung mở từ 4-7 cm thì các cơn đau sẽ tăng tần suất hơn khoảng 5-7 phút/lần.
- Giai đoạn chuyển dạ chuyển tiếp: Cổ tử cung mở từ 7-9 cm, các cơn đau sẽ liên tục và dữ dội (2 phút/lần).
- Giai đoạn cuối cùng mở hoàn toàn10 cm, thông qua các động tác rặn đẻ đúng cách và sự trợ giúp của bác sỹ, thai nhi sẽ được chào đời.
Lưu ý: Thời gian sinh còn phụ thuộc vào thể trạng từng người mà quá trình cổ tử cung mở có thể nhanh hoặc chậm. Ngoài ra, mẹ sinh con rạ cũng nhanh chuyển dạ và mở cổ tử cung nhanh hơn so với mẹ sinh con so.
Cách làm cổ tử cung mở nhanh giúp mẹ bầu sớm sinh
Đi bộ nhiều nhưng chậm rãi
Thông thường sau khi kiểm tra độ mở của cổ tử cung, bác sỹ khuyên sản phụ nên đi bộ chậm rãi, hạn chế ngồi một chỗ quá lâu. Khi đi, bụng bầu sẽ chịu áp lực làm thai nhi dễ tuột xuống hơn và di chuyển về đúng vị trí chờ sinh nên các cơn co thắt sẽ đến mau hơn giúp cổ tử cung nhanh chóng mở.
Phương pháp giục sinh: tiêm thuốc kích sinh
Trong trường hợp thai phụ mất quá nhiều thời gian nhưng cổ tử cung vẫn chưa mở hoặc mở rất chậm thì các bác sỹ sẽ sử dụng thuật là tiêm thuốc kích sinh. Tất nhiên, sau khi tiêm thuốc xong, bác sỹ sẽ chú ý và quan sát sự thay đổi. Nếu cổ tử cung vẫn mở chậm, thai phụ sẽ phải chuyển sang đẻ mổ.
Kích thích giúp vỡ ối
Có nhiều thai phụ khi cổ tử cung đã mở tầm 3-4 phân nhưng vẫn chưa vỡ ối. Bác sỹ sẽ làm vỡ ối cho mẹ để trợ giúp cổ tử cung mở nhanh hơn,. Khi mất đi môi trường nước ối thì thai nhi sẽ nhanh thúc xuống để ra ngoài nhanh hơn.
Những biến chứng về cổ tử cung khi sinh nở
Thời gian cổ tử cung mở 1cm đến lúc sinh em bé còn là một chặng đường khó khăn với mẹ. Một số biến chứng có thể xảy ra:
Thông thường, cổ tử cung của mẹ dài khoảng 3cm. Nếu chiều dài của cổ tử cung mà ngắn hơn 3cm thì mẹ sẽ có nguy cơ bị thiểu năng cổ tử cung. Việc này sẽ khiến khó giữ được thai nhi, dẫn đến nguy cơ sinh non cao.
Cổ tử cung có thể co ngắn hay dãn ra vào những cơn chuyển dạ. Nhưng nếu nó ngắn lại ngay cả khi không có những cơn gò tử cung thì đó là dấu hiệu của thiểu năng cổ tử cung.
Có số ít trường hợp cổ tử cung của mẹ bị hẹp. Nghĩa là cổ tử cung luôn đóng kín, không giãn mở kể cả khi cơn chuyển dạ kéo tới. Nguyên nhân có thể do bị nhiễm trùng trước đó hay việc mẹ tiếp xúc với bức xạ; trải qua những phẫu thuật liên quan đến rối loạn gen di truyền.
Khi có các dấu hiện bất thường nào xảy ra tốt nhất các mẹ nên đi đến bác sỹ kiểm tra và điều trị kịp thời để tránh các tình trạng đáng tiếc về sau. Chúc các bạn mẹ tròn con vuông nhé.